Hướng dẫn số hóa dữ liệu đất đai

Số hóa dữ liệu đất đai

Cơ sở dữ liệu đất đai là gì?

Cơ sở dữ liệu đất đai là một trong sáu cơ sở dữ liệu được ưu tiên triển khai theo quyết định 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ

Cơ sở dữ liệu đất đai là tập hợp các dữ liệu đất đai được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.

Cơ sở dữ liệu đất đai gồm có: cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất. Trong đó, cơ sở dữ liệu địa chính là thành phần cơ bản của cơ sở dữ liệu đất đai, làm cơ sở để xây dựng và định vị không gian các cơ sở dữ liệu thành phần khác.

Cơ sở dữ liệu đất đai là công cụ để thực hiện tốt công tác quản lý hiện đại; giúp nhà nước kiểm soát được tài nguyên đất; cung cấp dịch vụ công tốt nhất cho người dân, góp phần vào khả năng phát triển ổn định kinh tế – xã hội.

Khác biệt giữa số hóa tài liệu và số hóa dữ liệu đất đai

Số hóa tài liệu có thể xem là dữ liệu 2D, trong khi dữ liệu đất đai là dữ liệu dạng không gian, gồm nhiều lớp, nhiều thông tin, có thể xem là dữ liệu 3D. Vì vậy, số hóa dữ liệu đất đai có một số khác biệt cơ bản sau:

  • Nhiều loại hình tài liệu: giấy tờ pháp lý, bản đồ…
  • Nhiều tài liệu khổ lớn hơn A4 như A3, A2… đòi hỏi phải trang bị các thiết bị scan nhiều loại hình
  • Trường thông tin cần nhập liệu nhiều, phức tạp do là dữ liệu không gian
  • Khó triển khai dạng công nghiệp do dữ liệu cần đối soát, hiệu chỉnh nhiều, làm việc trực tiếp trên phần mềm biên tập bản đồ

Các quy định cần biết

Để số hóa dữ liệu đất đai, cần căn cứ vào các quy định cơ bản sau của Bộ Tài nguyên & Môi trường:

  • Thông tư 05/2017/TT-BTNMT: quy định về quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai
  • Thông tư 75/2015/TT-BTNMT: quy định về kỹ thuật cơ sở dữ liệu đất đai
  • Thông tư 35/2017/TT-BTNMT: định mức kinh tế – kỹ thuật xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Quy trình số hóa dữ liệu đất đai điển hình

Tùy vào dự án thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu địa chính; cơ sở dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai; cơ sở dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cơ sở dữ liệu giá đất… mà có lựa chọn đúng quy trình. Sau đây là quy trình số hóa dữ liệu địa chính điển hình

  1. Lập kế hoạch thi công: chuẩn bị mặt bằng, phần mềm số hóa, máy móc, thiết bị, vật tư
  2. Thu thập tài liệu, dữ liệu: thu thập hồ sơ, giấy tờ
  3. Phân loại, sắp xếp tài liệu, dữ liệu: phân loại đánh giá trùng/thừa
  4. Xây dựng dữ liệu không gian: chuẩn hóa, chuyển đổi, tích hợp đối tượng không gian vào CSDL
  5. Quét tài liệu: scan tài liệu thành pdf, độ phân giải tối thiểu 150dpi. Cần có các máy scan có thể thực hiện scan nhiều loại khổ giấy.
  6. Nhập dữ liệu: nhập thông tin hồ sơ, giấy tờ vào CSDL
  7. Kiểm tra: kiểm tra chất lượng, khối lượng thực hiện
  8. Nghiệm thu

Số hóa dữ liệu đất đai phức tạp hơn số hóa tài liệu khá nhiều. Nó đòi hỏi tập trung nhiều nguồn lực để có số liệu chính xác, cập nhật. Do đó, mức chi phí cho số hóa dữ liệu đất đai thường cao hơn số hóa tài liệu.

1 thought on “Hướng dẫn số hóa dữ liệu đất đai”

Leave a Comment